Tin tức

Mỹ hụt hơi rượt đuổi siêu tàu dầu Iran

Cuộc "mèo đuổi chuột" của chính quyền Trump quanh siêu tàu Iran chở 2,1 triệu thùng dầu là biểu tượng cho quan hệ đối đầu giữa hai nước.
Mỹ hụt hơi rượt đuổi siêu tàu dầu Iran

Và giống như số phận con tàu Grace 1, đã đổi tên thành Adrian Darya 1, cùng thủy thủ đoàn, kết quả của những căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện cũng chưa rõ ràng.

Nỗ lực bắt tàu Adrian Darya chỉ là một phần nhỏ trong chiến dịch "gây áp lực tối đa" mà chính quyền Trump thực hiện đối với Iran nhằm giảm xuất khẩu dầu của Iran về con số 0, bóp nghẹt nền kinh tế và buộc giới lãnh đạo Iran phải ngồi vào đàm phán với Tổng thống Trump.

Tàu Grace 1 ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7. Ảnh: AFP.

Tàu Grace 1 ngoài khơi Gibraltar ngày 6/7. Ảnh: AFP.

Trump hồi năm ngoái rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Tehran vì cho rằng thảo thuận trên là chưa đủ để khiến Iran ngừng chương trình phát triển tên lửa và hỗ trợ cho khủng bố.

Giới chuyên gia nhận định việc Iran giữ được tàu Darya khỏi tầm tay chính phủ Mỹ cho thấy những điểm yếu trong chiến lược của Washington. Trong lúc đó, Iran đã một lần nữa từ chối đàm phán với Mỹ, nhấn mạnh Tổng thống Trump phải gỡ bỏ trừng phạt trước khi bất kỳ cuộc thảo luận nào diễn ra.

Hôm 7/9, Iran tiếp tục phát đi tín hiệu họ đang giảm dần sự tuân thủ đối với thỏa thuận hạt nhân, tuyên bố bắt đầu bơm khí uranium và các máy ly tâm tiên tiến và rằng họ sẽ không đáp ứng những giới hạt mà thỏa thuận nêu ra về việc nghiên cứu, phát triển hạt nhân.

"Người Iran không chịu khuất phục", Barbara Slavin, giám đốc chương trình Sáng kiến Tương lai Iran tại Hội đồng Đại Tây Dương, trung tâm nghiên cứu chính sách quốc tế trụ sở ở Washington, nhận xét. "Họ sẽ không nói 'Làm ơn, ngài Trump, chúng tôi có thể gặp ngài không'".

Thay vào đó, Iran có chiến lược phản kháng của riêng mình. Họ bắn hạ máy bay không người lái Mỹ, bị cáo buộc đe dọa các tàu đi qua eo biển Hormuz, đồng thời sử dụng các tuyến đường lòng vòng và tắt thiết bị phát đáp để tự chuyển dầu.

Tàu Adrian Darya bắt đầu hành trình hiện tại từ giữa tháng 4 từ một cảng xuất khẩu chính của Iran nơi nó được chất đầy dầu thô nhẹ, Samir Madani, đồng sáng lập TankerTrackers.com, công ty chuyên theo dõi các lô hàng vận chuyển dầu thô trên thế giới, cho biết. Thiết bị phát đáp trên con tàu lúc bấy giờ bị tắt và công ty ông không thể thu bất kỳ hình ảnh nào vì thời tiết xấu.

"Nó xuất hiện, rời khỏi khu vực Iran nhưng lại chờ ở vịnh Ba Tư cho tới khoảng tháng 5", Madani nói. "Rồi nó di chuyển, đi vòng quanh châu Phi" và dường như hướng đến Địa Trung Hải.

Xung đột nổ ra vào tháng 7 gần Gibraltar, lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh, khi Hải quân Hoàng gia Anh bắt tàu Grace 1. Các quan chức Anh và Mỹ nghi ngờ con tàu đang chuyển dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU).

Chính quyền Trump cố bắt con tàu từ tay Gibraltar, nói rằng con tàu phải bị tịch thu dựa trên những cáo buộc gian lận ngân hàng, lừa đảo rửa tiền cùng nhiều tội danh khác.

Nhưng giới chức Gibraltar khước từ hành động pháp lý của Mỹ và thả tàu vào ngày 16/8. Thuyền trưởng Akhilesh Kumar, 43 tuổi, điều khiển tàu chậm rãi từ Gibraltar tiến vào vùng biển quốc tế.

Khoảng một tuần sau, khi Adrian Darya hướng tới phía đông Địa Trung Hải, Kumar bất ngờ nhận được email. "Tôi là Brian Hook... Tôi làm việc cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và hiện giữ vai trò Đại diện Mỹ về Iran", bức thư đề ngày 26/8 có đoạn. "Tôi muốn mang đến tin tốt". Hook đã xác nhận với USA Today rằng ông có gửi bức thư trên.

Hook đề nghị chuyển cho thuyền trưởng Kumar hàng triệu USD nếu ông đồng ý lái tàu tới một cảng nơi Mỹ có thể bắt nó. "Với số tiền, ông sẽ có cuộc sống như mong muốn và khá giả khi về già", Hook viết trong email thứ hai. "Nếu ông chọn không đi con đường dễ dàng đấy, cuộc sống của ông sẽ trở nên khó khăn hơn".

Thuyền trưởng Kumar không trả lời email của Hook. Ngày 30/8, Bộ Tài chính Mỹ ra lệnh trừng phạt con tàu và cả thuyền trưởng. Truyền thông Iran gọi hành động này là "hối lộ". Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng đây là biểu hiện cho thấy sự tuyệt vọng.

Hành động của Hook thực tế được cho phép thể theo một chương trình của Bộ Ngoại giao Mỹ mang tên Phần thưởng vì Công lý, cung cấp tiền cho những cá nhân giúp Mỹ ngăn chặn các cuộc tấn công khủng bố hay bắt thủ phạm.

Hook tuần trước thông báo công khai rằng Bộ Ngoại giao sẽ trao thưởng 15 triệu USD cho bất kỳ ai giúp chính phủ Mỹ phá vỡ các hoạt động tài chính của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), lực lượng bị chính quyền Trump liệt vào danh sách khủng bố.

Chuyên gia Barbara Slavin đánh giá việc Đại diện Mỹ Hook gửi email tới thuyền trưởng Kumar là hành động "nghiệp dư" và chưa từng có tiền lệ. "Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế trong đời mình", bà nói. "Ý tưởng của ai vậy? Tôi thậm chí không thể tưởng tượng ra".

Tới ngày 4/9, tàu Adrian Darya cách bờ biển Syria khoảng 95 km, theo TankerTrackers. Hình ảnh vệ tinh do Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đăng trên Twitter ngày 6/9 cho thấy tàu chỉ cách Syria vài km. Chưa rõ số dầu trên tàu đã được bốc dỡ chưa.

Madani, người đồng sáng lập TankerTrackers, cho hay thủy thủ đoàn có khả năng sẽ dỡ một phần hoặc toàn bộ số dầu rồi trở về Iran qua kênh đào Suez. Ông không biết vì sao chính quyền Trump lại tập trung vào con tàu này đến vậy nhưng khẳng định áp lực từ phía Mỹ không thể khiến Iran ngừng chuyển dầu tới Syria qua các con tàu hay tuyến đường khác.

Mỹ sẽ không thể sớm ngăn chặn tàu của Iran, Andrew Serdy, chuyên gia về luật hàng hải tại Đại học Southampton, Anh, nhận định. "Con tàu không thể bị bắt trong lãnh hải một nước khác", ông nói. Nơi duy nhất Mỹ có thể bắt tàu Adrian Darya 1 là bên trong lãnh hải của mình.

admin
XEM THÊM:
G

0911114992